Tâm quyết định cuộc đời
Trong cuộc sống có rất nhiều thứ quý giá, đó có thể là vật chất, danh dự, địa vị hay quyền lực,…Nhưng những thứ đó liệu có quý bằng cái tâm của chúng ta? Tâm là nơi khởi phát cho khổ đau và cả hạnh phúc. Khi tâm bạn bình an, tự tại, bạn nhìn mọi vật với một cái nhìn tích cực, bạn cảm nhận được sự vị tha và đong đầy yêu thương của cuộc sống; khi tâm bạn hỗn loạn, bạn nhìn mọi thứ với cái nhìn tiêu cực, luôn có thái độ chống đối, một sự ích kỷ, ghen tỵ, đố kỵ lẫn nhau để từ đó nảy sinh ra nhiều chuyện không vui.
Tâm quyết định số phận và cuộc đời của một người
Nhiều người thích tiền tài, vật chất, thích giàu sang và được mọi người tôn trọng, điều này là không sai, đây là nhu cầu thiết thực và đáng trân trọng nếu bạn đạt được những thứ ấy bằng chính cái tâm từ bi của mình. Nhưng nếu bạn làm trái tâm thì có bao nhiêu cũng chỉ khiến bạn bước vào ngõ cụt, không hạnh phúc, không thể tận hưởng được những thành quả của mình.
Đã có biết bao người vì đam mê quyền lực và danh vọng, sẵn sàng tìm mưu bày kế để hại người khác. Hay thậm chí là anh em ruột trong nhà, chỉ vì nửa tất đất mà có thể giết hại người còn lại. Đúng là khi người kia chết đi, bạn chính là người chiến thắng trong cuộc tranh giành nửa tất đất, nhưng bạn có đất để làm gì khi bạn phải trả giá cho những hành vi sai trái của mình bằng những ngày tháng còn lại ở trong tù, bạn có thể vui sướng khi bạn có được điều mình muốn hay không?
Rõ ràng trong cuộc sống này, chúng ta quá tham lam cho bản thân mình, chính sự tham lam ấy đôi khi khiến chúng ta hành động không suy nghĩ. Chúng ta làm mọi việc trái với lương tâm của mình để đạt được điều mình muốn, để rồi sau đó phải trả giá, như vậy có đáng hay không?
Tâm quyết định mọi cử chỉ hành vi của bạn
Mọi việc trên cuộc sống này đều do tâm sinh ra, tâm là thứ điều khiển và sinh ra mọi việc thiện điều ác của một đời người, sẽ quyết định một người sẽ có đời sống lương thiện hay xấu xa, sẽ hạnh phúc hay đau khổ.
Một cái tâm tốt sẽ hướng chúng ta đến những việc thiện lành, chúng ta có thể không tranh giành những thứ nhỏ nhặt, có thể bỏ qua cho những hành vi sai trái của người khác, không hại lẫn nhau để có được “cái quyền”. Còn một cái tâm xấu sẽ dẫn dắt chúng ta đến những hành động độc ác, xấu xa, tham, sân, si. Tất cả những tội lỗi, sai lầm mà chúng ta gây ra có thể nói đều xuất phát từ cái tâm không trong sáng, từ tâm sẽ phát ra hành động, từ hành động mà tạo ra nhân quả.
Tại sao chúng ta gặp những người mà chỉ nhìn qua vẻ mặt, chúng ta lại có cảm giác sợ hãi? Tại sao với một số người, dù xa lạ nhưng chúng ta vẫn thấy có một sự gần gũi và lương thiện từ họ? Phải chăng họ may mắn sở hữu được gương mặt hiền lành, được mọi người yêu mến? Điều này không sai nhưng điều quan trọng chính là cái tâm của họ. Với những người có tâm tốt, họ thường rất điềm đạm và bình tĩnh trước mọi sự việc xảy ra. Người khác tranh giành với họ, họ có thể bỏ qua, có thể không nói lời độc ác, chửi bới lại người kia, họ bình tĩnh đối diện với vấn đề và giải quyết vấn đề một cách ôn hòa. Còn với những người tâm ác, chỉ cần bạn làm bẩn chiếc váy của họ hay thậm chí là vô tình va vào người họ, họ sẵn sàng xả một tràn để chửi bạn mà không cần suy nghĩ. Tất cả hành động và cách cư xử đó đều do tâm sinh ra!
Rèn luyện và kiểm soát “tâm” để cuộc sống đơn giản hơn
Là một người phàm phu, chúng ta không thể nào loại bỏ hoàn toàn những cái xấu trong tâm. Cảnh giới tâm thanh tịnh là cảnh giới khó đạt được nếu chúng ta vẫn sống trong xã hội xô bồ này, khi mọi việc đều được cân đong đo đếm bằng tiền bạc và vật chất. Nhưng khác với người khác, chúng ta là Phật tử, là người có cơ may tiếp cận được với những bài pháp, những giáo lý nhà Phât, chúng ta không nên để tâm mình muốn làm gì thì làm, nếu không thể thay đổi hoàn toàn để tâm trong sáng thì ít nhất chúng ta cũng cần biết những cách để kiểm soát lại sự sân hận, si mê trong tâm của mình.
Chúng ta đều hiểu rằng, tâm là thứ quý giá và chúng ta cần rèn dũa để có được cái tâm. Bất kể khi nào sự ghen tỵ nổi lên, chúng ta hãy cố gắng kiểm soát lại. Thay vì đố kỵ với thành tích của người khác, tại sao chúng ta không chúc mừng họ và học hỏi từ họ. Những kiến thức mà chúng ta đang sở hữu chỉ là hạt cát trên sa mạc bao la, vậy tại sao chúng ta không nhận ra điều đó để kiềm chế lại lòng ghen tỵ của mình?
Hay khi chúng ta nóng giận trước những sai lầm của người khác, tại sao chúng ta không thể từ bi và chỉ ra cái sai cho họ biết. Con người không ai hoàn hảo cả, hôm nay người khác sai, hôm sau có thể chính bạn là người sai. Chúng ta cần từ bi, từ tốn giúp đỡ nhau nhận ra cái sai và sửa lại, chứ không phải bằng một thái độ nóng giận, quát mắng người khác trước những sai lầm của họ. Liệu rằng bằng quyền uy của mình, bạn quát mắng người khác thì bạn có nhận được sự tôn trọng từ người khác hay không?
Tâm là nơi khởi phát ra mọi hành vi của mình, chúng ta muốn có được mối quan hệ tốt với nhiều người, chúng ta cần điều chỉnh hành vi từ cái tâm. Khi tâm bạn tốt, mọi việc đến với bạn dường như sẽ suôn sẻ và thuận lợi hơn.