Kiềm chế cơn giận để cuộc sống hạnh phúc hơn
Trong cuộc sống, chúng ta không khỏi vướng vào những cảm giác giận dữ. Có thể do bạn bè chọc phá, có thể do những câu nói vu vơ của những người quen, cũng có thể do hành động vô ý của đồng nghiệp,…Nhưng khi bạn giận dữ, hãy nhớ rằng chính bản thân bạn sẽ làm chủ nghiệp của bạn, bạn đừng tự trách bản thân vì sao lại nổi giận như thế, cũng đừng đổ lỗi cho người ngoài đã làm bạn giận, cách tốt nhất chính là thay đổi thái độ của bạn càng sớm càng tốt!
Tình cảnh khó chịu và bực bội nhất là khi ta nổi giận với ai đó, do vậy, để tránh đưa bản thân rơi vào trạng thái như vậy, bạn có thể cố gắng thay đổi tình cảnh đó, không để cơn giận trỗi dậy bằng lòng từ bi. Nói đến đây, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng “Làm sao mình có thể từ bi với một người không biết điều như vậy, làm sao có thể bỏ qua được cho một người mà họ đã mang đến phiền phức cho mình!”, điều này cũng có thể hiểu được, bởi con người vẫn còn nhiều thứ phải lo, vẫn còn vướng bận chuyện đời, vẫn còn phải quan tâm đến mọi chuyện, vẫn có lúc bực tức muốn tìm nơi để xỏa. Nhưng bạn không nên hành động theo cảm tính như vậy, trong những lúc mà người đối diện làm bạn bực tức, việc duy nhất bạn nên làm là cố gắng thay đổi tình thế.
Bạn nên biết rằng giận dữ là một loại cảm xúc vô ích nhất trên đời này, nó chỉ làm cho chúng ta đau khổ. Tại sao bạn không thể bỏ qua mọi chuyện mà vui vẻ với nhau, tại sao bạn không thể nói những lời nhẹ nhàng để vấn đề xung đột được gỡ bỏ một cách êm ái mà bạn phải giận dữ để rồi khiến tâm bạn phải xáo trộn đủ đường? Bạn càng giận dữ, tính cách của bạn sẽ càng thay đổi, thay vì là một người vui vẻ hoạt bát, luôn được mọi người yêu mến thì giờ đây, chính sự nóng giận của bạn đã khiến nhiều người rời xa bạn hơn, rồi đến một ngày nào đó, bạn sẽ trở thành một con người hay càu nhàu, giận dữ và lúc đó “hạnh phúc” dần dần nói lời chia tay với bạn vĩnh viễn.
Nếu bạn nhận thức được những điều trên, sau này nếu có ai làm bạn tức giận, bạn nên nghĩ về những việc tốt mà họ đã làm cho bạn. Là con người, ai cũng có mặt tốt cả, và bạn nên dựa vào mặt tốt của người đó để cư xử nhẹ nhàng hơn với họ trong những lúc xung đột. Nhưng nếu lúc đó bạn quá nóng giận, bạn không thể tìm thấy một mặt tốt nào từ người đối diện thì bạn nên nhớ rằng, những người hạn phúc vui vẻ sẽ không hành động như họ, họ buông lời khiến bạn bực tức nghĩa là họ đang đau khổ, vậy việc gì bạn lại khiến bản thân bạn đau khổ giống như họ chứ? Với những tình cảnh như vậy, bạn hãy thương xót người đang đau khổ, bạn hãy cảm thông cho hành động thiếu suy nghĩ của họ để giúp họ vơi đi phần nào đau khổ trong tâm.
Sự giận dữ được ví như cầm than đỏ bằng tay không để rồi chọi thẳng vào người làm bạn tức giận. Bạn nghĩ xem ai sẽ là người bị bỏng trước, dĩ nhiên chính là bản thân bạn. Đức Phật cũng từng nói, sự sân hận chính là cái hồ, trong đó nước đang sôi sục, nếu nước sôi thì ta không thể có mặt hồ tĩnh lặng để soi mình trong đó. Khi bạn giận dữ, bạn không cần biết tất cả việc làm của bạn vì mục đích gì, sự tỉnh thức của bạn bị chôn vùi sâu trong đất, bạn chỉ còn biết bạn đang tức giận và bạn phải làm mọi hành động để thể hiện sự tức giận của mình, lúc đó tâm thức của bạn không thể điều khiển hành động của bạn nữa mà bạn bị cuốn lắp hoàn toàn trong cơn giận dữ của mình.
Đức Phật từng dạy rằng khi lòng sân hận trong bạn khởi dậy, bạn cần nhớ rằng bạn chính là chủ nghiệp của bạn. Nếu bạn tức giận, bạn sẽ lãnh nghiệp báo của hành động đó mà không cần biết người kia đã làm gì để cho bạn giận. Chính vì thế, bạn hãy là một người thông minh, đừng nên nóng giận mà phải biết kiểm soát cơn giận của mình. Bạn cũng đừng tức giận bản thân vì để cơn giận trỗi dậy, bạn nhận thức được bạn đang giận là một điều quá tốt cho bạn, việc bạn nên làm tiếp theo là điều khiển cảm xúc của mình, đừng để cơn giận đó khởi lên một cách không kiểm soát được. Sự tỉnh thức nổi lên đúng lúc chính là chiếc bàn phanh lợi hại nhất cho một chiếc xe hơi đang lao xuống dốc. Bạn hãy tưởng tượng nếu chiếc xe hơi đó không có phanh thì một vụ tai nạn kinh hoàng nhất định sẽ xảy ra, và cơn giận cũng vậy, nếu bạn không “phanh” nó lại đúng lúc thì những mâu thuẫn càng thêm lớn, những bất đồng ngày càng nhiều và những mối quan hệ càng dễ bị đứt gánh. Do vậy, bạn cần chú ý đến cảm xúc của bản thân để kiềm chế nó lại đúng lúc. Chỉ cần bạn làm được như thế trong những lúc bạn nóng giận nhất là bạn đã thành công. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cũng từng nói rằng “cảm xúc là kẻ thù số một của thành công”, do vậy, hãy kiềm chế cảm xúc của mình, nhất là khi bạn đang nóng giận để giúp bản thân an yên hơn, thanh bình hơn và hạnh phúc hơn nhé!